“Giáo xứ” – Một lời mời

18/12/2021 BTT Gx Ngọc Mạch

“Hồng ân thiết lập giáo xứ cũng là lời mời gọi sống tốt hơn cảm thức thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu giáo xứ như một “gia đình rộng lớn hơn” của con cái Thiên Chúa trong đó tất cả là anh chị em với nhau, thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm đến muôn dân. Chung quanh mảnh đất truyền giáo Ngọc Mạch còn quá nhiều người chưa tin Chúa!”

Đức Hồng Y Phê rô chụp ảnh cùng Ca Đoàn trong dịp Ngài về Dâng Lễ tại Giáo xứ

Ngọc Mạch thân yêu ơi, từ mảnh đất khát khao niềm tin, nay đã trào dâng ngàn khúc hoan ca tạ ơn…” Lời bài hát “Ngọc Mạch Đất Ngọc Người Tiên” (2018) cũng như bìa tuyển tập Khúc Ca Dâng Chúa (2017) đã không có hai chữ “giáo họ”; có lẽ những người thực hiện đã sớm mong và tin vào ngày Ngọc Mạch trở thành giáo xứ: 21.11.2020. Biến cố hồng ân này được ghi trong văn thư quyết định của Đức Tổng Giuse: “thiết lập thành Giáo xứ Ngọc Mạch”, thay vì “lên xứ” hay “thăng hạng”. Trong cái nhìn đức tin, hai chữ “giáo xứ” nói gì với tôi?

Thường thì “giáo họ” được xem như đơn vị quản trị mục vụ dưới cấp giáo xứ. Thực ra trong giáo luật không hề có khái niệm “giáo họ”. Tôi nghe kể, trước cuộc di cư năm 1945, ở miền Nam không có từ “giáo xứ”, mà chỉ có “họ” hay “họ đạo” (đạo = giáo); người công giáo miền Bắc theo cha xứ, hay chánh xứ (trong Nam gọi cha sở, hay chánh sở, bổn sở) mang “xứ” vào trong Nam, và dùng chữ “họ” để gọi một chi nhánh hay “họ lẻ” của “xứ”. Trong tiếng Việt, nếu như chữ “xứ” gợi nhắc “xứ sở, mảnh đất quê hương” thì chữ “họ” nói lên “họ hàng thân thuộc” (Ngày đầu đặt chân đến Ngọc Mạch, tôi được nghe đến “họ Bá”, “họ Văn”, họ “Trần”…). Dù “xứ” hay “họ”, cả hai đều muốn nói lên mối tương quan gắn bó, gần gũi của một cộng đồng. Chữ “giáo” (đạo) đi kèm hẳn để nói đến một cộng đoàn đức tin. Vì thế, có lẽ nên hiểu giáo họ như một phần thuộc về giáo xứ thay vì cái gì đó khác biệt và thua kém giáo xứ. Hồng ân thiết lập giáo xứ cũng là lời mời gọi sống tốt hơn cảm thức thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu giáo xứ như một “gia đình rộng lớn hơn” của con cái Thiên Chúa trong đó tất cả là anh chị em với nhau, thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm đến muôn dân. Chung quanh mảnh đất truyền giáo Ngọc Mạch còn quá nhiều người chưa tin Chúa!

Từ ngữ “giáo xứ” (La-tinh: paroecia, Pháp: paroisse, Anh: parish, Ý: parrochia) có nguồn gốc Hy-lạp: παροικία (paroikìa), bắt nguồn từ động từ παροικέω vốn có nghĩa “sống/cư ngụ gần nhau”. Hơn nữa, bản “Bảy Mươi” (bản dịch một phần Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp) còn dùng động từ παροικέω theo nghĩa “sống tha hương”, xa quê. Kinh Thánh dùng chữ παροικία cho cộng đoàn những người ngoại kiều (Ep 2,19), tạm trú (1Pr 2,11), lữ hành (Dt 11,13), lưu vong (Cv 7,6.29; 13,27). Thời kỳ đầu, Παροικία cũng từng được áp dụng cho toàn thể Dân Thiên Chúa lữ hành trên đời, tức Hội Thánh, trước khi có chữ ekklesia (nghĩa gốc: hội họp); về sau, theo đà phát triển rộng lớn của Giáo Hội, παροικία được dùng để chỉ “giáo phận”, rồi mới đến “giáo xứ”. Nói thế để thấy giáo xứ là một Giáo Hội thu nhỏ, và để thấy: trước khi được hiểu như một đơn vị hành chánh và quản trị mục vụ, hạn từ “giáo xứ” (παροικία) đã mang nhiều ý nghĩa sống động trong truyền thống Giáo Hội.

Nghĩ về Ngọc Mạch như một giáo xứ, tôi mơ về một cộng đoàn đức tin nơi đó mọi người – dù họ này hay họ kia, dù người bản xứ hay người phương xa đến cư ngụ – cảm thấy đang sống trong “một nhà”, hoặc ít là “sống gần nhau”, và – như một “đoàn dân lữ thứ” – dìu nhau tiến về “quê Trời”.

Phụng vụ Thánh Lễ tại Giáo xứ Ngọc Mạch

Nghĩ về Ca đoàn Giáo xứ Ngọc Mạch với những hồi ức từ Hội hát, Ca đoàn trẻ Teresa, Ca đoàn Sinh viên, Ca đoàn Thánh Gia, đến khi gộp chung thành Ca đoàn Giáo họ… tôi không dám mơ về ban hợp xướng 80 thành viên “đem chuông đi đánh xứ người”, nhưng nghĩ về một ca đoàn luôn sống theo tinh thần Chị Thánh quan thầy Têrêxa. Chúa ban cho Ngọc Mạch “đất ngọc người tiên” không thiếu hiền tài, xin Chúa thêm ơn soi sáng và hong ấm con tim mỗi người. Ai cũng biết ca đoàn góp phần quan trọng và ý nghĩa trong phụng vụ. Phụng vụ là gì, Công Đồng Vatican II và sách giáo lý đã định nghĩa. Tôi chợt nhớ vài bạn ở Ngọc Mạch hay dùng từ nhầm lẫn “phụng vụ” thành “phục vụ”, và ngược lại: “Hôm qua ca đoàn mình mới đi “phụng vụ” ở trung tâm Đồi Cốc”. Nhầm mà…không lạc! Danh từ “phụng vụ” có gốc Hy Lạp λειτουργία (ghép bởi  λαός “dân” và ἔργο “công việc”) vốn có nghĩa là “việc phục vụ công ích”, “việc do dân và vì dân”. “Phụng vụ” không những để chỉ nghi lễ hay công việc thờ phượng Thiên Chúa, mà còn mời gọi thực thi bác ái. Mục tiêu kép của phụng vụ là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Ước mong từ ca viên, nhạc công đến ca trưởng góp phần vào phụng vụ bằng tâm tình hân hoan tụng ca Thiên Chúa, và đến với phụng vụ bằng quả tim ao ước phục vụ anh chị em.

Ngày ngày vui tri ân tình thương Chúa bao la: Ngài dựng nên ta, và luôn dọi chiếu con đường ta đi…

Anh Huy, SJ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *